Người ta nhắc tới HLV Hứa Phong Hảo là vị thuyền trưởng nội đầu tiên dẫn dắt một đội bóng tại VBA, cũng như kinh qua rất nhiều vị trí tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng những người trong nghề lại biết đến ông với một cương vị khác, một HLV đào tạo trẻ rất mát tay.

VBA 2018 HCM City Wings đặt rất nhiều kỳ vọng vào HLV Brian Rowsom, người có bản CV đẹp như trong tranh với rất nhiều chức vô địch ở các quốc gia khác nhau, thế nhưng kết quả trên sân của Anh Hai đại bàng lại hoàn toàn trái ngược.

HCM City Wings không thể thắng nổi bất cứ trận đấu nào, vào Playoffs được thay thế bằng một mục tiêu phù hợp hơn đó là tìm kiếm chiến thắng để tri ân hàng ngàn người hâm mộ vẫn luôn cháy hết mình tại Hồ Xuân Hương.

Nhưng người thực hiện nhiệm vụ ấy không còn là ông Brian Rowsom, thay vào đó VBA chứng kiến vị HLV nội đầu tiên, ông Hứa Phong Hảo. Nhiệm vụ đó đã hoàn thành giống như rất nhiều mục tiêu khác mà vị thuyền trưởng sinh năm 1983 từng trải qua.

Cùng Webthethao trò chuyện với ông Hứa Phong Hảo, người đã từng kinh qua rất nhiều vị trí tại VBA, ngoài ra ông được biết đến là HLV rất mát tay trong công tác đào tạo trẻ cùng những ấp ủ với bóng rổ Lâm Đồng – Đà Lạt.

WTT: Xin chào ông rất vui về buổi trò chuyện hôm nay, cái tên Hứa Phong Hảo được biết đến với rất nhiều vai trò khác nhau tại VBA, cụ thể là gì thưa ông?

Đầu năm 2017 tôi bắt tay xây dựng hệ thống bóng rổ cho HCM City Wings, bắt đầu công việc chỉ với 2 cộng sự chuyên làm việc văn phòng và không am hiểu về bóng rổ.

Từ năm 2017-2019 tôi giữ chức trưởng ban chuyên môn (Giám đốc kỹ thuật) HCMCW.

Tại VBA 2020 tôi làm cố vấn chuyên môn cho Nha Trang Dolphins.

WTT: Từng giữ 4 cương vị khác nhau tại VBA, đối với ông công việc nào áp lực nhất và hấp dẫn nhất?

Công việc áp lực nhất nhưng cũng hấp dẫn nhất là VBA 2018 tôi phải dẫn dắt HCM City Wings tìm 1 trận thắng giai đoạn cuối mùa giải để tri ân người hâm mộ. Đó là thời điểm chồng chất khó khăn nhưng cũng là công việc hấp dẫn vì tính thử thách cao, và cũng giúp bản thân tôi tự tin để dẫn dắt 1 đội bóng tại VBA.

WTT: Các học trò thường nhắc đến ông như một vị HLV khá khó tính với những quy định như ưu tiên giao tiếp tiếng Việt, không được đi dép khi ra ngoài, không buôn bán trên Facebook,… vì sao ông có những quy định như vậy?

 

VBA cũng như các giải đấu khác trên lãnh thổ Việt Nam là chơi trên đất chúng ta, quy định của chúng ta và tiền của chúng ta, vậy thì nên ưu tiên sử dụng tiếng Việt. Trong một đội bóng có 90% là cầu thủ Việt vì vậy tôi luôn khuyến khích các cầu thủ ngoại binh học và sử dụng tiếng Việt.

Còn việc yêu cầu đi giày đơn giản chỉ là bảo vệ cần câu cơm cho các cầu thủ, ở Việt Nam di chuyển bằng xe máy rất nguy hiểm, tôi từng chứng kiến cầu thủ của mình bị lột móng chân vì vướng vào chân chống xe, một vết xước nhỏ thôi cũng khiến các cầu thủ rất đau khi mang giày, ảnh hưởng rất lớn tới thi đấu.

Việc đăng bán hàng trên Facebook cũng vậy, các cầu thủ có thể lập trang riêng bán hàng rồi share không có vấn đề gì. Nhưng nếu một cầu thủ sử dụng tài khoản riêng của mình bán mỹ phẩm, đồ ăn,… rất thiếu chuyên nghiệp. Trong khi bóng rổ Việt Nam đang hướng tới điều đó, chúng ta nên chuyên nghiệp từ những hành động nhỏ nhất.

WTT: Là người rất tâm huyết với việc đào tạo và phát triển bóng rổ trẻ, với những cái tên như Triệu Hán Minh, Hoàng Nguyễn Tuấn Dũng, Huỳnh Thị Ngoan, Bùi Kim Nhạn, Bùi Thị Huyền Trang hay Phạm Thị Tha Bay,… theo ông hướng đi nào phù hợp cho công tác đào tạo trẻ?

Những năm qua VBA rất chú trọng vào công tác này, bằng chứng là quy định các đội bóng bắt buộc phải có đội trẻ. Tuy nhiên vẫn rất khó để VBA phủ hết phong trào, đây không phải là vấn đề ở riêng Việt Nam mà các quốc gia phát triển cũng vậy.

Vì thế những trung tâm đào tạo bóng rổ có vai trò rất quan trọng trong công tác tìm kiếm những tài năng và rèn giũa cho các cầu thủ trẻ đi đúng hướng. Qua đó cũng giảm bớt gánh nặng cho các đội bóng VBA mà cũng không bị bỏ lọt nhân tài. Nếu phát triển đúng hướng sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên.

WTT: Lợi ích cho cả 3 bên cụ thể là gì thưa ông?

Thứ nhất đối với trung tâm như T-Hub của tôi nếu tìm kiếm ra những cầu thủ có tiềm năng chúng tôi sẽ ký hợp đồng riêng tuỳ theo trình độ. Ví dụ có thể giảm một phần học phí, giảm 100% học phí, được đào tạo 1vs1 miễn phí và thậm chí các em có thể nhận tiền trợ cấp, như vậy các VĐV tài năng là người có lợi đầu tiên.

Thứ hai là các đội bóng chuyên nghiệp như VBA, hay các đội bóng của các Sở thể thao địa phương, họ có thể dễ dàng lựa chọn những cầu thủ tốt mà không mất công, không tốn tiền đào tạo.

Thứ ba đương nhiên phải là trung tâm, họ bỏ công tìm kiếm và đào tạo mất rất nhiều công sức để có được một cầu thủ tốt, đó không chỉ phát triển hình ảnh của trung tâm, họ còn nhận được phí đào tạo khi để cầu thủ của mình khoác áo các đội bóng chuyên nghiệp.

Các trung tâm có thể hiểu nôm na như những cánh tay nối dài của các đội bóng chuyên nghiệp, đó là mô hình mà các môn thể thao ở nhiều quốc gia phát triển đã và đang làm.

WTT: Đó có phải lý do khiến ông mở cơ sở 2 của T-HUB tại Đà Lạt – Lâm Đồng?

Đó chỉ là lý do chiếm % rất nhỏ, nếu muốn nhanh chóng kiếm người tài phụ thuộc vào 2 yếu tố, một là phong trào ở đó thế nào có nhiều người chơi bóng rổ hay không, mật độ dân cư ở địa phương đó có lớn hay không? Và Lâm Đồng đều không có những yếu tố đó.

Tôi biết đến bóng rổ nơi đây trong một lần tình cờ đi thiện nguyện ở Dòng Don Bosco Đà Lạt, mỗi mùa Hè tại đây thường tổ chức các hoạt động thể thao cho trẻ em cơ nhỡ và khó khăn, tôi sẽ cử các HLV của T-Hub tới hỗ trợ hoàn toàn miễn phí trong 2 tháng. Ở đây cũng dạy học văn hoá cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nếu môn thể dục có bóng rổ chúng tôi cũng cử HLV dạy miễn phí cho các em.

Một lý do quan trọng nữa là tôi rất yêu mảnh đất Đà Lạt, không khí, cảnh quan đều rất tuyệt vời, sau này khi đủ điều kiện tôi sẽ lên đó sống. Giống như bản thân tôi có nợ mảnh đất Đà Lạt và tôi muốn làm một điều gì đó cho nơi này.

Bóng rổ ở đây gần như không phát triển, có rất ít người chơi, mục tiêu đầu tiên của tôi và T-Hub vẫn là gây dựng phong trào để mọi người biết đến bộ môn này nhiều hơn. Đương nhiên nếu nói làm ra hoàn toàn vì đam mê thì không đúng, ai cũng phải hướng tới lợi nhuận mới có thể duy trì được, nhưng tôi chưa đặt quá nhiều mục tiêu ở đây, tôi xác định lỗ 3 năm đầu tiên.

WTT: Mục tiêu đầu tiên của T-Hub là gây dựng phong trào, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm dành cho các địa phương tương tự Lâm Đồng không?

Tôi rất may mắn khi được Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng ủng hộ và cấp sân. Đó là bàn đạp để tôi đầu tư sửa sang xây dựng sân thi đấu. Có sân rồi thì tổ chức giải đấu thường xuyên để các cầu thủ có cơ hội cọ sát nâng cao trình độ và thúc đẩy phong trào.

Ngoài ra T-Hub cũng quyết định tài trợ 100% chi phí cho đội truyển trẻ Lâm Đồng – Đà Lạt tham dự giải trẻ VĐQG. Các em khi nhìn thấy đội tuyển địa phương thi đấu chuyên nghiệp cũng là cơ sở để quyết định tham gia với bộ môn này.

Tuy nhiên tôi nghĩ mỗi địa phương sẽ có những khác biệt nhất định, có những kinh nghiệm có thể áp dụng giống hoặc khác nhau. Ví dụ những địa phương lãnh đạo không thực sự đam mê bóng rổ thì rất khó để làm.

Nhìn chung đào tạo bóng rổ trẻ là một công việc rất khó làm, rất tốn kém thời gian, công sức nhưng nhìn những cầu thủ mình tin tưởng đang phát triển từng ngày chính là thành quả và hạnh phúc lớn nhất.

WTT: Rất may mắn khi được trò chuyện và lắng nghe những tâm huyết của ông, chúc ông sức khoẻ và ngày càng thành công trong sự nghiệp của mình!

Nội dung: Quang Minh

Ảnh: Việt Long

Thiết kế: Chí Trung

Bài liên quan

Những thách thức của bóng rổ Việt Nam dưới góc nhìn Phó Chủ tịch Lê Hoàng Anh

Quả trứng gà được ấp mãi trong lòng mẹ mà không thành chú gà con để rổi tự rạn vỡ, đó là hình ảnh được ông Lê Hoàng Anh ví von về bóng rổ Việt Nam trong những năm qua.

Chủ tịch FIBA vô can trong hệ thống lạm dụng tình dục chấn động bóng rổ Mali?

Ông Hamane Niang người nắm giữ cương vụ Chủ tịch Liên đoàn bóng rổ thế giới FIBA đang vướng phải những bê bối lớn liên quan tới một hệ thống lạm dụng tình dục tại quê nhà Mali.

Tp.Hồ Chí Minh mở cửa thể thao, người chơi bóng rổ cần đáp ứng những quy định gì?

Tp.Hồ Chí Minh đã quyết định dần mở cửa hoạt động thể dục thể thao với những quy định tương đối cụ thể, người chơi bóng rổ cũng cần đáp ứng những điều kiện đó.

Webthethao.vn Bình luận