Mẹ của Nguyệt Anh khóc cạn nước mắt. Bà đau đớn tận cùng với nỗi đau thể xác của con gái. Ngày đó, nếu chấn thương chỉ nhích thêm 1cm, ĐTQG nữ bóng chuyền Việt Nam và CLB Bộ Tư lệnh Thông tin đã không còn chứng kiến chủ công xuất sắc hiện tại. Những gian truân đó hun đúc về một cô gái xinh đẹp quê Quảng Bình đầy ý chí, nghị lực.

Từ trung tâm thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), hướng về phía Tây Bắc, chúng tôi di chuyển trên cung đường dài khoảng 13km, đến thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Hai bên là dãy cây cao, gió kêu ríu rít.

Những ngày cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa. Những tán cây phủ mát con đường. Lần tìm về ngôi nhà nhỏ ở tổ dân phố Phú Quý, không ai không biết đến gia đình anh Phạm Văn Sơn (sinh năm 1967) và chị Võ Thị Thu (1972). Họ là niềm tự hào của cả khu phố khi có người con tài năng Phạm Thị Nguyệt Anh, đang là VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.

Tay bắt mặt mừng, anh chị đón tiếp niềm nở. Và sau lời chào đó, là những câu chuyện dài về hành trình đến với bóng chuyền của Nguyệt Anh. Ở đó, đến chính người bố can trường như anh Sơn cũng phải thốt lên: “Nếu tôi là cháu, chưa chắc, tôi đã vượt qua”.

Ở đâu khắp Việt Nam, bên những cánh rừng cao su bạt ngàn luôn là khoảnh sân để chơi bóng chuyền. Đó là môn thể thao không thể thiếu với bà con ở các tiểu khu. Và miền quê của Nguyệt Anh cũng không ngoại lệ.

Cô gái sinh năm 1998 chơi bóng chuyền từ nhỏ. Cô chơi vì đam mê và bởi vì quá... cao. Nguyệt Anh cao hơn các bạn đồng trang lứa khoảng 10-20cm. Bất cứ giải đấu nào ở trường hay tiểu khu, cô đều là tay đập chủ lực.

Đánh nhiều thành quen và càng chơi càng phát lộ tố chất. Dượng (anh rể của mẹ) của Nguyệt Anh nhìn thấy tố chất đó. Tình cờ, ông đọc trên một bài báo có thông tin Bộ Tư lệnh Thông tin tuyển sinh. Thế là, ông về báo với gia đình của Nguyệt Anh.

Bà Thu lo lắm khi Nguyệt Anh chuẩn bị vào cấp 3. Thầy chủ nhiệm cũng định hướng cho cô nữ sinh làm lớp trưởng. 9 năm học trước đó, Nguyệt Anh đều là học sinh giỏi. Bố cô vốn là cán bộ công chức Nhà nước ở công ty cao su Việt Trung. Mẹ làm thợ may ở nhà.

Nguyệt Anh trong một lần tham gia giải bóng chuyền ở địa phương, khi chưa đến với chuyên nghiệp.

Cả hai hoạch định công việc văn phòng, phù hợp với con gái. Bởi lẽ, anh Sơn và chị Thu chỉ sinh hai cháu sinh đôi là Nguyệt Anh - Nguyệt Ánh.

Thật sự, trong lòng cũng không muốn con theo nghiệp thể thao. Nhưng đó là thời điểm hè, lại được dượng động viên, vợ chồng tôi mới quyết định cho bé ra thi. Trong đầu chỉ nghĩ, đi học hỏi, thăm quan Hà Nội vì chưa có dịp ra chứ không nghĩ sẽ đậu”, chị Thu nhớ lại.

Nguyệt Anh ra muộn hơn 10 ngày so với các bạn. Ngặt nỗi, cô lại thi đỗ. Chị Thu trong người rối như tơ vò. “Vợ chồng tôi hỏi ý kiến bên nội, bên ngoại có cho cháu đi hay không vì sợ nếu đi không được nữa sẽ dang dở. Nghiệp bóng chuyền chỉ có thời gian chứ không đi đến cả cuộc đời. Người nói cho đi, người nói cho ở nhà. 

Trong tâm trí, Nguyệt Anh thích đi nhưng thấy mẹ khóc lóc nên bảo nếu mẹ thích con đi, con mới đi còn nếu không, con ở nhà”. Thấy con có ý nghĩ như vậy, chị càng thương. Sau thời gian, tham khảo thêm ý kiến thầy cô dạy bóng chuyền ở trường nói môi trường quân đội tốt, chị mới dần yên lòng.

Đã xong bài toán về tâm lý, chị Thu cùng con khăn gói ra Hà Nội. Chị ở một tháng. Thời điểm này rất quan trọng khi trải qua quá trình sàng lọc gắt gao. Đến lúc này, trong tâm trí, chị Thu vẫn nghĩ: "Tôi xác định, ở lại thì tốt còn không, hai mẹ con vui vẻ ra về".

Sau 1 tháng, Nguyệt Anh đứng thứ nhất trong lứa tuyển sinh này. Có kết quả về, anh chị cũng muốn nửa cho con đi, nửa không cho vì thấy còn nhỏ nên thương. Nhưng rồi, chị đứt đoạn rời xa con để trở về quê nhà. Lúc đó, Nguyệt Anh đã chín chắn ở tuổi 15. Rời xa con, trên đường từ đại bản doanh về ga tàu, chị Thu chỉ biết khóc.

Hồi nhỏ đến lớn, con đều trong vòng tay bố mẹ. Con đi như thế, đứt ruột lắm nhưng biết sao được, đó có thể là nghiệp cả đời sau này của con”, chị Thu tâm sự. 

Đến với bóng chuyền chuyên nghiệp khá muộn nhưng Nguyệt Anh có bước tiến lớn. Sau 1 năm ăn tập, cô được chọn đi đánh giải trẻ. "Từ lúc đó, vợ chồng tôi thấy khả năng con mình trụ lại ở mọi nơi”, anh Sơn chia sẻ.

Đang trên đà phát triển, năm 2018, Nguyệt Anh gặp biến cố lớn của cuộc đời. Khi cùng đội tuyển bóng chuyền quốc gia chuẩn bị cho giải ASIAD 2018, Nguyệt Anh gặp chấn thương nặng.

Cô bị ngay tay phải, vốn là tay thuận. Một mảnh thủy tinh cứa vào tay, khiến gân bị đứt, máu chảy tung tóe. Thời điểm này, chị Thu ở nhà một mình. Chồng đi công tác ở Lào, em gái sinh đôi của Nguyệt Anh đang học ở Huế.

Vốn sống nội tâm, lại hay lo sợ, nỗi đau của chị Thu càng lớn. Kể lại giây phút đó, mắt chị rưng rưng: “Hôm đó, Lâm Oanh điện bảo “dì ơi, dì ra Hà Nội gấp”. Tim tôi như thắt lại, nghĩ chắc chắn có chuyện gì xảy ra với con gái”. Chị nói ngắt quãng, hai bàn tay cứ nắm chặt, xoay tròn.

Chị cố giữ lấy bình tĩnh để kể lại biến cố lớn của cuộc đời Nguyệt Anh. Khoảnh khắc đó khiến chị lặng người đi. Một lúc sau, chị mới bình tâm: “Tôi vừa đi tàu vừa khóc, trong đầu cứ lảng vảng Nguyệt Anh bị nặng, có tiếp tục chơi bóng được không. Tôi không thể nào ngủ được". 

Xuống tàu, chị liền bắt xe về Bệnh viện Việt Đức. Lúc đó, Nguyệt Anh đã mổ xong. Nhưng trong đầu, chị vẫn có ý nghĩ: “Kiểu này hết rồi, không còn gì nữa. Công sức bỏ ra mấy năm nay như đổ sông đổ bể bởi thực sự, tôi cho con đi theo con đường chuyên nghiệp vì đó là môi trường quân đội và muốn con là một người trong quân đội. Để sau này, con có việc làm ổn định”.

Nguyệt Anh chưa phải là quân nhân chuyên nghiệp. Và nếu không may không thể quay trở lại bóng chuyền, cô sẽ dở dang mọi thứ. Sau một hồi bối rối, chị Thu bình sinh, đến gặp bác sĩ.

Chị vẫn nhớ như in lời của bác sĩ: “Nếu vết thương chỉ nhích lên thêm 1cm, Nguyệt Anh không bao giờ đánh bóng được nữa”. Chị lặng người đi, vừa bớt lo nhưng cũng luôn nhìn vào hiện thực.

Bấy giờ, anh Sơn ở bên Lào điện về. Hai vợ chồng thầm nghĩ, nếu con gái giải nghệ sớm, vẫn chấp nhận. “Nhưng tiếc cho con vì đã trải qua quá trình nỗ lực phấn đấu và trên đà phát triển”, anh Sơn trầm ngâm.

Anh nhớ lại, sau khi mổ, hai ngón tay của Nguyệt Anh bị co. Theo thời gian, Nguyệt Anh phải cố dần dần để đẩy ngón tay ra bình thường. 

Giây phút tưởng chừng như lấy cả sự nghiệp bóng chuyền rồi cũng qua đi. Nguyệt Anh nỗ lực, kiên trì tập luyện. Anh Sơn bảo: “Vợ chồng luôn động viên con nhưng trong thâm tâm cũng phải nể con. Khả năng chịu đựng, chịu khó của Nguyệt Anh không ai bằng”.

Cứ thế, thời gian trôi qua, Nguyệt Anh trở lại sàn thi đấu sau hơn 1 năm điều trị chấn thương.

Trở lại với cảm giác thi đấu là điều ngọt ngào với Nguyệt Anh lúc bấy giờ. Vì vẫn còn dư chấn của chấn thương và để học trò an tâm, Nguyệt Anh được bố trí thi đấu ở vị trí libero một vài giải.

Sau đó, khi chấn thương khỏi hẳn, cô trở lại vị trí chủ công quen thuộc. Từ đó, cô gái sinh năm 1998 lấy lại những gì vốn thuộc về mình. Đó là vị trí đánh chính ở CLB Bộ Tư lệnh Thông tin và ĐTQG.

Mới đây, cô cùng các đồng đội hai lần chinh phục đỉnh cao châu lục ở các giải AVC Challenge Cup và cúp các CLB châu Á 2023. Đến giờ, chị Thu tự nhủ: “Tôi vẫn lo cho con nhưng không đòi hỏi gì nữa. Nguyệt Anh quá cố gắng, nỗ lực rồi”. 

Là người bố vốn can trường, anh Sơn dành sự khâm phục đến con gái mình. Anh thổ lộ: "Con bé không bao giờ kêu ca dù thừa hiểu rèn luyện rất vất vả; về nhà không một lời than phiền. Theo quy luật tự nhiên, cứ đến đâu hay đến đó nhưng chưa bao giờ thôi đặt niềm tin ở con, nhất là sau những gì đã xảy ra ở năm 2018”.

Thực hiện: Trần Khánh - Sỹ Minh

Bài liên quan

Cặp chị em sinh đôi siêu dị Nguyệt Anh – Nguyệt Ánh của bóng chuyền Việt Nam

Là chị em sinh đôi nhưng chủ công đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam Nguyệt Anh cùng người em Nguyệt Ánh có sự khác biệt siêu dị. Cô chị cao hơn cô em đến 20cm và có hai ngả rẽ trái ngược nhau.

Những hình ảnh quý, úa màu thời gian của hotgirl bóng chuyền Nguyệt Anh

Những tấm hình đã bị loang lổ, úa màu thời gian nhưng đó là cả ký ức đẹp của hotgirl Nguyệt Anh trước khi tỏa sáng rực rỡ cùng đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia ở các giải đấu quốc tế.

Hai người mẹ cùng tên Thu đặc biệt của hai sao bóng chuyền quê Quảng Bình Lâm Oanh – Nguyệt Anh

Như một cái duyên, hai bà mẹ cùng tên Thu kết thân với nhau từ khi Lâm Oanh và Nguyệt Anh đến với bóng chuyền. Mỗi người một tính cách nhưng họ đều là điểm tựa vững chắc để bóng chuyền Việt Nam có hai VĐV tài năng xuất thân từ Quảng Bình, gây tiếng vang lớn ở quốc tế.

Webthethao.vn Bình luận