Rùng mình nghe nhân chứng kể về tai nạn thảm khốc ở giải chạy 100km tại Trung Quốc

chủ nhật 23-5-2021 16:56:37 +07:00 0 bình luận
Cuộc đua siêu địa hình 100km tại Cam Túc (Trung Quốc) ngày 22/5/2021 đã cướp đi sinh mạng của 21 VĐV. Và đây là lời kể của một nhân chứng, người may mắn thoát chết khỏi cuộc thi chạy sinh tử này.

Một nhân chứng giấu tên đã kể lại về những ký ức kinh hoàng khi tham dự giải chạy siêu địa hình 100km ở Trung Quốc hôm 22/5/2021. Lời kể được đăng trên các nguồn tin của Trung Quốc và được một người Việt Nam tổng hợp, biên dịch. 

“Đây là lần thứ tư, giải Ultra Trail 100km này được tổ chức tại khu thắng cảnh rừng đá Hoàng Hà. Đây là giải chính thống của chính quyền địa phương tổ chức, do Đảng ủy Cam Túc, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở thể thao tỉnh, ủyban quản lý khu Bảo tồn công viên địa chất cùng phối hợp tổ chức, nhằm quảng bá du lịch địa phương, do đó sự can thiệp của địa phương vào công tác tổ chức là khá cao. 

Giải có chi phí bib là 1.000 Nhân dân tệ, nhưng ai hoàn thành chặng đua được nhận tiền hoàn thành là 1.600 Nhân dân tệ. Nên đua xong, VĐV lãi 600 NDT. Cung 100km này được coi là cung đường dễ dàng nhất trong tất cả các cự ly 100km địa hình tại Trung Quốc. Cao độ chưa tới 3.000m, toàn bộ chặng đua là đường du lịch xuyên qua rừng đá nên đều có thể chạy dễ dàng, các VĐV gọi giải này là "đường chạy trail tốc độ cao".

Hai điểm khó khăn của giải này là: độ cao lên xuống dốc sẽ gây khó khăn cho những VĐV vốn chỉ quen chạy đường bằng. Và thời gian giới hạn - COT khá gấp. Hầu hết dọc đường đều không có nhà dân.

Những người nổi tiếng hoặc "chạy bộ để vãn cảnh đẹp" hầu như không đăng ký giải này. Vì giải không nổi tiếng, lại có nhiều đoạn chạy ra ngoài khu bảo tồn địa chất và họ không thể hoàn thành trước COT. Vì thế đa số VĐV đều là người chạy thực chất, có kinh nghiệm.

Thời gian COT là 20 tiếng. Thời tiết tháng 5 đẹp. Dù trong yêu cầu trang bị có nhắc tới áo khoác nhưng tôi gửi nó ở CP6 (62km). Vì như thông thường thì tôi tới CP6 trước khi trời tối.

Khi tới nhận bib hôm trước, tôi thấy nhân sự của BTC có một số thay đổi, không phải là những người làm giải năm trước. Tuy nhiên có thông tin động viên rằng, họ cũng nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn đáng tin cậy. Tuy nhiên tại cuộc họp kỹ thuật tối 21/5, vài tiếng trước khi xuất phát, Trưởng BTC lại lên giải thích có một số thay đổi về đường chạy. Các VĐV quanh tôi đã xì xào bàn tán nhưng cho rằng nó sẽ không ảnh hưởng nhiều. Các gương mặt mới toanh trong BTC năm nay với sự can dự khá sâu của địa phương được giải thích là, đây là sự kiện du lịch quan trọng nên được chính quyền địa phương rất sâu sát.

Chúng tôi cho rằng, BTC lúc đó có vẻ chưa hoàn hảo (chưa đạt điểm 100/100), tuy nhiên cuộc đua này đã tổ chức tới năm thứ 4 rồi, ngày càng hoàn thiện hơn năm đầu, nên sẽ hạn chế được các rủi ro ngày mai trên đường đua. Nhiều VĐV cho rằng, việc COT quá gắt là do chính quyền tiết kiệm tiền. Nói gì thì nói, cứ 10 người DNF là họ tiết kiệm được 16.000 NDT rồi!

Nếu nhìn bằng mắt thường, đường đua năm nay tôi thấy dễ hơn năm trước, ít đi đường ngoằn ngoèo qua khe đá hơn. Tuy nhiên vấn đề xảy ra bất ngờ là thời tiết!

Sáng nay (VĐV này kể lại vào đêm 22/5 sau khi được cứu) trời đầu hè, sáng sủa, có nắng vàng, trong veo, ấm áp. Tuy nhiên trong lúc chờ xuất phát thì đã có một cơn giông cực lớn, trời tối đen, gió giật rất to, nhiệt độ hạ xuống nhanh chóng. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc đua 100km nhưng lần này, là lần đầu tiên, tôi đã phải chạy 2km để khởi động trước khi xuất phát, nhưng trong thời tiết đó, người tôi vẫn không thể nào ấm lên được!

BTC lại cho gửi đồ từ tối hôm trước, vì thế hầu hết áo khoác của mọi người đã ở trong túi đồ gửi đi các CP rồi. Nếu BTC cho phép gửi đồ trước xuất phát, tôi cam đoan, tất cả mọi người sẽ đều mặc áo khoác. Nhiều người mặc quần đùi run rẩy khi xuất phát.

Cho tới CP1, đường đa số là xuống dốc nên vẫn ổn. Mọi người chạy khá nhanh. Vì được chạy giữa các vách đá nên được che gió khá tốt. Tuy nhiên khi tới CP2, lúc này khoảng 10h30, trời bắt đầu đổ mưa rất nặng hạt. Từ đây sự việc bắt đầu rắc rối:

Gió giật cấp 7-8, mưa dày đặc và nặng hạt, gió cuốn mỗi hạt mưa vào mặt như một viên đạn bắn vào, đau buốt, mắt không thể nhìn thấy gì. Cho dù có đeo kính đi đua cũng bị nhoè mờ hạn chế tầm nhìn. Nếu không có kính, không ai có thể mở được mắt ra. Trong khi từ CP2-CP3 dài 8km lại là đoạn khó khăn nhất của cuộc đua này, hầu như toàn leo liên tục, 8km với cao độ 1.000 m. Đây lại là đoạn đường dốc với đất và đá (không phải đường bê tông như đa phần còn lại của cung đường) có chỗ phải leo lên bằng cả tay và chân, nên xe máy không thể đi vào được. Không có người hoặc đồ, lều, chỉ dẫn hỗ trợ từ BTC.

Vì thế, khi bạn leo lên CP3 trên đỉnh, bạn cũng không hề có nước, không có chỗ đứng lại nghỉ, không có gì cả, muốn DNF ở đây càng không được phép. Bạn chỉ có thể tiếp tục leo xuống và thầm mong sao chóng tới CP4. (nghĩa là CP3 chỉ là địa danh, không có hỗ trợ?).

Đa số mọi người gặp tai nạn tại CP3 này. Vì càng lên cao, gió giật càng khủng khiếp, thân nhiệt hạ cực kỳ thấp, mưa cực kỳ to không thể chống cự, khi tôi đang leo lên CP3 đã thấy những VĐV đầu tiên bỏ cuộc leo xuống, họ nói, họ không chịu đựng nổi nữa, họ DNF thôi!

Và tôi thấy đi ngược lại tôi có cả VĐV Elite nổi tiếng cũng bỏ cuộc (Elite đeo số báo danh 001 Lương Tinh cũng chết trong giải này ở trước CP3. Anh được mệnh danh là nhà vô địch của những nhà vô địch siêu marathon tại Trung Quốc, giải Giang Nam 100 dặm ngay trước đó, anh về nhất. Anh được tìm thấy nằm bên đường dưới chân núi, không đeo kính đi đua, trước đoạn leo lên CP3, không còn dấu tích của sự sống. Đây là cái chết gây chấn động toàn bộ runbiz Trung Quốc hôm nay).

Tôi cũng lạnh không thể chịu nổi nữa, lê từng bước, gió mạnh tới nỗi chỉ mong có một xó nào để nấp vào. Tôi vừa lôi chăn giữ nhiệt ra, nó bị gió thổi bay luôn, thật vô dụng! Chăn giữ nhiệt của VĐV khác còn thảm hơn, vừa bị thổi bay vừa bị gió xé rách ra làm nhiều mảnh. Tôi có đeo găng hở ngón và dùng gậy chạy trail. Tôi lên núi bằng cách tì hoàn toàn 2 tay vào đầu gậy chứ không thể nắm gậy mà chống.

Chẳng bao lâu 10 ngón tay hoàn toàn không còn cảm giác. Điều này trước đây chỉ xảy ra nếu tôi đang ở giữa mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc thôi. Tôi thử ngậm ngón tay vào mồm. Kết quả, không có ngón tay nào ấm lên, chỉ có lưỡi tôi lạnh tê.

Tôi đành quyết định DNF và quay xuống. Nhưng giờ còn kinh khủng hơn, người run bần bật, đi không nổi nữa. Tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu, mình không thể chết ở đây được, mình phải xuống núi, có ngã cũng phải ngã ở dưới kia. Tôi thấy tôi vẫn còn may mắn vì đưa ra quyết định bỏ cuộc sớm, vào đúng lúc cảm thấy thân nhiệt bắt đầu hạ xuống, tôi bỏ cuộc. Tuy nhiên đáng lẽ phải DNF sớm hơn chút nữa, tôi đã quá ỉ vào kinh nghiệm bản thân nên không biết rằng, khi hạ thân nhiệt, thì nhiệt độ cơ thể sẽ chỉ liên tục hạ xuống rất nhanh và cũng nhanh chóng đe dọa tính mạng.

Trong cuộc đua này, các VĐV bị gặp tình huống hạ thân nhiệt ở đúng đoạn khó nhất chặng đua. Khi tôi xuống được tới chân núi, gặp một lều y tế, lều nhỏ nhưng đã có khoảng 50 VĐV chui rúc vào. Lúc xuống tôi chưa gặp ai nằm lại dọc đường, rất nhiều cao thủ vẫn tiếp tục kiên trì leo lên ngược đường tôi. Tuy nhiên chỉ sau đó, bắt đầu có những VĐV ngã xuống và nằm một chỗ sùi bọt mép. Khi tôi tới được lán y tế, có một VĐV xuống núi từ sau lưng tôi chạy gấp tới trạm y tế và báo, có một VĐV 60 tuổi đang nằm ngất trên núi, cần Crew khẩn cấp lên cứu. (Nhưng bác VĐV này sau này lại may mắn được cứu sống, không nằm trong số thiệt mạng!).

Khi về lán, môi tôi còn hồng hào nên tôi không cần được hỗ trợ gì cả. Tôi thấy, việc duy nhất Crew làm là họ liên tục gọi điện thoại cho BTC!

Cuộc đua đã khó nhưng cứu hộ còn khó khăn hơn. Các VĐV bị DNF về sau tôi thông báo cho biết, những người DNF sau này rất thê thảm và nguy hiểm. Các bạn ấy còn có thể DNF về nhưng ai cũng mắt đỏ hoe và khóc suốt dọc đường vì không thể giúp được các VĐV khác, họ về được đây an toàn đã là khó khăn lắm rồi.

Tôi may mắn là ở trong nhóm 20 người đầu tiên tự quay về tới CP2, được đi xe buýt của BTC đón về. Từ lúc về tới khách sạn tới giờ, chúng tôi chỉ liên tục kiểm tra thông tin an toàn của nhau, tình hình cuộc đua. Hàng trăm cảnh sát và y tế đã lên núi từ trưa, nhưng cuộc tới 16h mới được tuyên bố là hủy.

Có quá nhiều thông tin hỗn loạn quanh tai nạn này nên tôi chỉ thống kê những thứ tôi tự mắt thấy:

- Rất nhiều VĐV ngã và chảy máu vì trời mưa to.
- Có rất nhiều người bị mắc kẹt ở dọc đường đua, mỗi người một tình huống khác nhau.
- Một vài VĐV cụm lại với nhau ở một điểm trên đường đua và chờ cứu hộ, điều đó không giúp an toàn hơn, vì cứu hộ không phải là thần thánh. Họ ko có siêu năng lực.

- Một số VĐV nổi tiếng được mọi người kiểm tra, thấy rõ GPS của họ đã dừng lại ở một điểm trên đường đua. - Tuy nhiên không thể gọi cho họ được, không liên lạc được.
- Không ngủ dọc đường đua. Một cô VĐV trẻ rét quá đã nằm tránh gió trên núi và ngủ thiếp đi. Nếu không được một VĐV khác đánh thức, cô ấy công nhận, có thể cô ấy đã chết.

Là một trong những VĐV hôm nay, tôi xin nói lời cảm ơn bạn đã đọc bài của tôi trong khi nước mắt tôi vẫn đang rơi."

Ảnh: tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2022.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.