Nguyễn Thùy Linh gánh vác sứ mệnh tiếp nối Nguyễn Tiến Minh truyền lửa cho Cầu lông Việt Nam

Như Ý
thứ tư 16-7-2025 14:19:27 +07:00 0 bình luận
Người hâm mộ cầu lông Việt Nam có thể hụt hẫng do Nguyễn Thùy Linh bỏ Japan Open đẳng cấp Super 750 để tập trung cho giải Vô địch thế giới 2025, nhưng đó xem ra là chọn lựa đúng.

Diễn ra từ ngày 15 đến 20 tháng 7 tại Tokyo, giải cầu lông Japan Open 2025 chào đón những ngôi sao hàng đầu thế giới trở lại như Anthony Sinisuka Ginting của Indonesia ở đơn nam hoặc Gregoria Mariska Tunjung tại đơn nữ. Tuy nhiên, sự kiện đẳng cấp Super 750 đồng thời vắng mặt các tên tuổi hàng đầu khác như cựu vô địch thế giới Loh Kean Yew của đơn nam, còn ở đơn nữ, đó là Supanida Katethong và với riêng Cầu lông Việt Nam, đấy là Nguyễn Thùy Linh.

Nguyễn Thùy Linh không dự Japan Open được đánh giá là nhằm chuẩn bị tốt cho giải Vô địch thế giới 2025 tại Paris từ ngày 25 đến 31 tháng 8. Việt Nam có tới 6 tay vợt đủ điều kiện tham dự giải đấu này, bao gồm cả Vũ Thị Trang ở đơn nữ, Lê Đức Phát cùng Nguyễn Hải Đăng ở đơn nam với đôi nam Nguyễn Đình Hoàng và Trần Đình Mạnh. Paris 2025 có thể xem như ngày hội cho Cầu lông Việt Nam, đồng thời với Nguyễn Thùy Linh, đây là sân chơi hứa hẹn tiến xa hơn so với Japan Open, qua đó có thể đột phá vào top 20 thế giới.

Đối với động thái “tránh nặng, tìm nhẹ” của Nguyễn Thùy Linh, ắt hẳn có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt do ngay thời điểm này, cô là tay vợt duy nhất có thể truyền cảm hứng cho người hâm mộ cầu lông Việt Nam bằng cách tiến xa ở các giải đấu đẳng cấp Super 300 - 500 - 750, thậm chí là Super 1000, chưa kể nay đang đứng trong top 10 danh sách tranh suất dự World Tour Finals cao quý. Tán thành có. Thất vọng có. Thế nhưng, trong giai đoạn chưa cần tích điểm cho Olympic, chiến lược này – nếu đúng là kế hoạch của Nguyễn Thùy Linh – hoàn toàn là điều dễ hiểu, như kiểu từng có ý kiến cho rằng cô dự US Open 2025 là nhằm làm quen với múi giờ, trước lúc bung sức vào chung kết tại Canada Open 2025 diễn ra ngay tuần sau.

Nguyễn Thùy Linh gánh vác sứ mệnh tiếp nối Nguyễn Tiến Minh truyền lửa cho Cầu lông Việt Nam.

Rơi vào hoàn cảnh như Nguyễn Thùy Linh, ngay cả biểu tượng cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh cũng không có chọn lựa khác. Đến đây xem ra cần nhắc lại rằng để Nguyễn Tiến Minh vươn lên tốp đầu trên bảng xếp hạng thế giới, Liên đoàn Cầu lông TPHCM đã phải nhờ Liên đoàn Cầu lông Thái Lan tư vấn để thu xếp cho Minh Ca tham dự những giải đấu vừa sức, cho tới lúc anh đạt tới trình độ đủ sức so tài cùng những tay vợt hàng đầu thế giới lúc đó như Lin Dan, Lee Chong Wei, Chen Long hoặc Taufik Hidayat…

Dĩ nhiên trong kế hoạch đó, không phải lúc nào Nguyễn Thùy Linh cũng thành công, giống như Nguyễn Tiến Minh lúc trước. Nguyên nhân một mặt do các tay vợt Việt Nam thường rất thiệt thòi do tiết kiệm chi phí khi thi đấu quốc tế ngoài dự tính của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam. Thuở trước thường thấy Nguyễn Tiến Minh phải nhờ Vũ Thị Trang làm huấn luyện viên, cho dù là lúc dự Olympic. Ngày nay người hâm mộ thường thấy Nguyễn Thùy Linh lủi thủi một minh ra sân khi xem trực tiếp các giải đấu quốc tế. 

Đến đây, ắt hẳn một số người sẽ chất vấn vì sao Nguyễn Thùy Linh không có huấn luyện viên theo cùng, trong lúc hiện có chuyên gia người Indonesia Hariawan Hong đang làm việc cho đội tuyển quốc gia? Theo ông Khoa Trung Kiên - phụ trách bộ môn cầu lông của Cục Thể Dục Thể Thao Việt Nam, chuyên gia này phụ trách cả đội tuyển chứ không làm việc cho một người nào, nên ông chỉ có thể hỗ trợ cho Nguyễn Thùy Linh tại những giải liên quan tới đội tuyển như SEA Games…

Vì vậy, Nguyễn Thùy Linh thường phải nhờ các tay vợt khác làm huấn luyện viên bất đắc dĩ, hoặc tập luyện chung với đội ngũ khác để có bạn tập. Việc này có lợi thì đương nhiên cũng có hại, như Nguyễn Thùy Linh từng thua Yeo Jia Min ở chung kết Đức Mở rộng 2025 do huấn luyện viên của tay vợt Singapore đã hiểu quá rõ những điểm mạnh yếu của người đẹp Việt Nam trong quá trình làm việc chung trước đó. Ngay cả việc có huấn luyện viên luôn theo cùng còn chưa giải quyết nổi thì với cô gái sinh năm 1997 này, nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý, thể lực hay vật lý trí liệu lúc thi đấu quốc tế như những đồng nghiệp khác thật sự là điều có nghĩ cũng không dám. 

Do đó, người xem thường chỉ thấy Nguyễn Thùy Linh thua trận vì xuống sức hoặc rớt phong độ, chứ mấy ai hiểu và thông cảm cho những khó khăn của cô, như vừa có người chia sẻ từng thấy hot girl này một mình kéo theo 5 chiếc vali và tự xoay xở mọi thứ khi thi đấu trong mùa giá lạnh ở xứ người. Đó là chưa kể tác động của chênh lệch múi giờ và ảnh hưởng của kinh nguyệt. Và thỉnh thoảng, Nguyễn Thùy Linh phải âm thầm thi đấu với chấn thương mà không muốn thổ lộ cùng ai. 

Như gần đây, câu chuyện kể của một người hâm mộ đã khiến Nguyễn Thùy Linh xúc động, khi kể rằng: “Linh nhỏ xíu, nhưng một mình lo hết. Không có huấn luyện viên đi cùng. Không có người xách giúp. Có khi còn bị lạc đường, thậm chí bị quấy rối khi về khách sạn mà vẫn im lặng. Có lần Linh thi đấu khi đang chấn thương lưng. Cúi người buộc dây giày cũng đau, chứ đừng nói đánh cả trận. Vậy mà khi thua, cô không lấy chấn thương làm lý do. Không đổ lỗi. Không kể khổ. Linh im lặng, rút lui, rồi lại xuất hiện ở giải đấu sau – vẫn là cô gái một mình với vali và nụ cười nhẹ.”

Cuộc sống như leo núi. Nguyễn Thùy Linh từng ví von như vậy. Cô chia sẻ: “Tôi tự nhủ không thể dừng lại, phải nỗ lực leo chắc chắn từng bậc thang rồi sẽ có ngày lên được đỉnh, dù có thể là chỉ một mình trên hành trình đi thi đấu". Đó là những vất vả mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. 
Như mới đây sau khi vào chung kết đơn nữ tại Canada Mở rộng 2025, cô tâm sự trên mạng xã hội: “Thật sự cảm động quá, cảm ơn vì đâu đó vẫn có người hâm mộ hiểu cho phần nào đó cuộc đời vận động viên, của phần nào đó những khó khăn mà mình hoặc tất cả các vận động viên khác.

Trên tất cả bài báo mọi người đều hỏi: “Ai đưa Linh đến cầu lông nhỉ?“ 
“Là ông ngoại Linh đưa Linh đến cầu lông, nhưng mẹ của Linh là người đã quyết định dừng lại việc cho Linh đánh cầu đó.“ 

Và đến bây giờ là bà ngoại, bà ngoại nói: “Mỗi khi con đi đâu, đi đến nơi rồi gọi về thì bà mới ngủ được. Thôi hay đừng đi thi đấu nữa, đi xa mãi mà có mỗi một mình vất vả quá.“ Nhưng cảm ơn bà ngoại và bố đã luôn mạnh mẽ để ủng hộ cho mong muốn và đam mê của con. Mình biết việc mình chấp nhận đón nhận mọi thứ cũng là một phần của hành trình. Nhưng ở góc độ nào đó, bản thân mình đã cảm thấy tủi thân và tổn thương, chắc bởi vì mình cũng là người bình thường thôi. Mình không phải một người vô cảm, nếu mà mình vô cảm thì chắc có lẽ nên đi khám bác sĩ ròi.  

Nhưng mà, mình sẽ luôn tìm cách để sống tốt và đón nhận những điều tích cực thôi. Bởi vì xung quanh mình vẫn luôn có những người rất yêu thương và đồng hành cùng mình, mình sẽ không gục ngã, mình sẽ luôn “stay positive“ và bình an.”

Nghiệt ngã không kém là đối với Nguyễn Thùy Linh, thắng trận chắc chắn quá ổn, còn nếu thua cũng vẫn tốt do có điều kiện học hỏi thêm. Vấn đề chỉ là đừng để những chỉ trích của người hâm mộ ảnh hưởng tới tinh thần. Bởi lẽ, muốn trở thành nhà vô địch thì cần có cơ hội đấu với những người có trình độ như thế nhằm nâng cao khả năng. Các tay vợt Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan đều không khó kiếm đối tác tập luyện hàng ngày có đẳng cấp cao như vậy. Nhưng ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh thời trước và Nguyễn Thùy Linh hiện nay đều thiếu các “quân xanh” như thế. 

Để trau dồi kinh nghiệm từ những thất bại, Nguyễn Tiến Minh trước đây và Nguyễn Thùy Linh ngày nay đều phải trả giá đắt cho từng bài học, như thông tin từ Nguyễn Hải Đăng – tay vợt Việt Nam cũng vừa dự 2 giải liên tục Mỹ Mở rộng và Canada Mở rộng. “Tiểu Momota” cho biết chi phí của chuyến thi đấu này lên đến hơn 200 triệu đồng, bao gồm vé máy bay, khách sạn, ăn uống… Nguyễn Thùy Linh giành ngôi á quân đơn nữ tại Canada với phần thưởng khoảng 230 triệu đồng xem như chỉ vừa đủ bù đắp chi phí. 

Cho rằng Nguyễn Thùy Linh gánh vác sứ mệnh tiếp nối Nguyễn Tiến Minh truyền lửa cho Cầu lông Việt Nam là vì vậy. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm