Dương Thúy Vi: Từ cái nhúng chân vào bể cá đến đỉnh cao ASIAD và "món nợ chàng rể"

Nguyễn Nhanh
thứ ba 8-8-2023 8:00:00 +07:00 0 bình luận
Khi Dương Thúy Vi chia sẻ tấm hình đội tuyển wushu quốc gia năm 2007 trên facebook năm ngoái, hoa khôi wushu một thời Nguyễn Thúy Hiền gọi đàn em là "siêu nhân". Giờ siêu nhân 30 tuổi Thúy Vi chuẩn bị dự kỳ dự ASIAD thứ 3, tròn 10 năm kể từ lần giành HCV wushu tại Incheon 2014...

...Bởi nhìn từ bức ảnh ấy, sau 15 năm, giờ chỉ còn Dương Thúy Vi vẫn sừng sững đứng trên thảm đấu wushu, dù bàn tay thêm chai sạn vì "cầm kiếm, múa thương" và các vùng cơ xương khớp, đốt sống trên người "phát ra tiếng kêu lạo xạo" khi cô thực hiện hằng chục lần trong buổi tập mỗi ngày các động tác khó như bay người lên cao, xoay trên không rồi tiếp đất với một chân hoặc thậm chí là xoạc duỗi thẳng chân.

"29 tuổi vẫn bay nhảy được, đúng là siêu nhân", hoa khôi wushu Thúy Hiền ngưỡng mộ bình luận về kỷ niệm mà đàn em Thúy Vi chia sẻ năm ngoái.

Nhưng cũng chỉ sau kỷ niệm trên 1 năm, Thúy Vi vẫn tiếp tục "bay nhảy" khi đón sinh nhật tuổi 30 đúng ngày cô giành tấm HCV SEA Games 32 trên đất Campuchia ở nội dung kết hợp kiếm thuật - thương thuật hồi tháng 5 vừa qua.

Dương Thúy Vi đón sinh nhật tuổi 30 bằng tấm HCV nội dung Kiếm thuật - Thương thuật ở SEA Games 32 hồi tháng 5 vừa qua tại Campuchia

Còn nhớ tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà hồi tháng 5/2022, sau khi giành 2 tấm HCV ở nội dung kiếm thuật, thương thuật, Thúy Vi tâm sự rằng "chưa nghĩ đến đại hội kế tiếp bởi đã ngấp nghé ngưỡng tuổi 30, việc thi đấu tiếp hay không còn phải lắng nghe dấu hiệu cơ thể".

Ngày đó, trả lời phỏng vấn tại nhà thi đấu Cầu Giấy nơi tổ chức môn wushu, mẹ của Thúy Vi chia sẻ rằng chỉ mong ước một điều "con gái không dính chấn thương nguy hiểm và nhanh chóng lấy chồng, sinh con, bởi Vi cũng... nhiều tuổi rồi". Một năm sau, tại Campuchia sau khi giành tấm HCV thứ 7 trong sự nghiệp ở các kỳ SEA Games, Thúy Vi không quên nhắc lại việc bản thân "vẫn nợ bố mẹ một chàng rể".

Nhưng trên tất cả, tình yêu, đam mê với wushu và quan niệm "vẫn còn nhiều điều cần học ở wushu" dù đã gắn bó cả tuổi thơ lẫn thời thanh xuân tươi đẹp, chính xác là 22 năm, là thứ gì đó thôi thúc Thúy Vi vẫn chưa thể "buông kiếm, bỏ thương, rời xa thảm đấu", dù mỗi ngày cô vẫn đổ mồ hôi tập đi tập lại những động tác mà nếu đếm có lẽ đã lên tới cả trăm nghìn lần, cũng như đối mặt rủi ro chấn thương khi cơ thể lão hóa theo thời gian.

"Nếu muốn nghỉ thi đấu chuyển công tác, tôi đã nghỉ sau khi giành HCV ASIAD 2014"!

Đó là câu nói mà đã hơn 1 lần Thúy Vi từng trả lời báo giới khi được hỏi rằng liệu bao giờ cô muốn dừng lại. ASIAD 2014 ở Incheon đúng là kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp của Vi khi tấm HCV kiếm thuật - thương thuật cô giành được không chỉ giải cơn khát vàng cho cả đoàn Thể thao Việt Nam mà đó còn là cột mốc lịch sử với wushu Việt Nam.

Kể từ khi wushu được đưa vào chương trình thi đấu Á vận hội từ đại hội Hiroshima 1994, Việt Nam chưa bao giờ chạm đến tấm HCV taolu (biểu diễn) bởi các võ sỹ Trung Quốc quá mạnh. Phải đến kỳ ASIAD 2014 lịch sử mới sang trang khi Thúy Vi thể hiện xuất sắc 2 bài diễn, vượt đối thủ mạnh Li Yi của Macau đúng 0,02 điểm.

Tấm HCV ở ASIAD Incheon 2014 của Dương Thúy Vi cho đến giờ vẫn là HCV wushu taolu duy nhất của Việt Nam tại đấu trường này

Cũng phải nói tới một chút may mắn khi năm đó không có VĐV Trung Quốc tham dự nội dung này. Nhưng với Thúy Vi đó chỉ là một trong những yếu tố. Còn lại, để chạm đến tấm huy chương ASIAD vốn được đánh giá khó giành nhất trong hệ thống thi đấu của wushu, đấy là sự chuẩn bị bài bản về chuyên môn. Một năm trước ASIAD Incheon, 2013, Vi đã giành HCV SEA Games đầu tiên cùng tấm HCV giải vô địch thế giới. Và xa hơn, dù thời điểm ấy Thúy Vi mới 21 tuổi thì cô gái nhỏ nhắn này cũng đã có thâm niên 14 năm ăn tập theo wushu.

Có lẽ điều may mắn nhất - mà Thúy Vi vẫn thừa nhận - đó chính là những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng vẫn nhẹ nhàng lảng tránh cô gái đầy lạc quan, hoạt bát, có đôi mắt biết cười và luôn khiến người đối diện tiếp xúc dễ chịu với sự cởi mở này.

Trong ký ức của Thúy Vi, tai nạn "hãi hùng" nhất chính là giải trẻ giới hồi 2008 tại Bali (Indonesia). Ngày đó, sau pha tung người thực hiện động tác khó khi tiếp đất mu bàn chân Thúy Vi bị gập, chệch ổ khớp. Nén đau đớn đi nốt bài diễn, ngay lúc kết thúc Thúy Vi được đồng đội bế vội ra ngoài đưa bàn chân đau vào ngâm luôn ở... một bể cá rất to để làm mát vì đá lạnh chườm vết thương chưa được mang tới.

Ngày ấy ở tuổi 14-15 tuổi, Thúy Vi thực sự sốc và muốn nghỉ. Nhưng đấy cũng là lần duy nhất ý nghĩ chia tay wushu lóe lên trong đầu  Thúy Vi, dù nhiều năm sau này là những cơn đau dai dẳng đến từ cái đầu gối bị sưng viêm, chảy dịch, rách sụn mà như bác sỹ thừa nhận "sẽ không thể chữa lành chừng nào còn thi đấu", hay cơ xương khớp toàn thân đau nhức đến mức gần như kiệt quệ.

Và còn nữa, cả áp lực từ bố mẹ, những người cũng là môn sinh nhà võ nhưng đều muốn con gái "ăn mặc điệu đà, đi nhẹ nói khẽ, và sớm giải nghệ để tính tới chuyện lập gia đình, sinh con để lo cho tương lai lâu dài".... Thế nhưng, tất cả đều không thể kéo Thúy Vi dứt ra khỏi thảm đấu wushu.

Ở tuổi 30, Thúy Vi đã có hơn 22 năm gắn bó với wushu và niềm đam mê với môn võ này vẫn còn bùng cháy

"Nếu tôi cởi bỏ bộ quần áo tập để khoác lên mình những bộ váy điệu đà như nhiều cô gái ngoài kia, bố mẹ tôi sẽ là những người hạnh phúc nhất. Nhưng tôi tâm niệm nhờ Wushu mà được như ngày hôm nay, nên tôi nghĩ, chắc cả đời mình sẽ gắn bó với Wushu", Thúy Vi từng tâm sự.

"Tôi đã tốt nghiệp Đại học TDTT và cũng đã được vào biên chế của Sở VHTT Hà Nội, vậy nên sau này không thi đấu nữa sẽ làm công tác huấn luyện. Nhưng khi nào thì rất khó trả lời".

"Cả tuổi thơ lẫn thời thanh xuân tôi đã gắn bó với wushu. Trong hơn hai chục năm qua hằng ngày, hằng giờ tôi luyện đi luyện lại một bài kiếm, bài thương hay bài quyền… Các môn khác có sự hưng phấn, có sự cạnh tranh đối kháng va chạm cao. Còn nội dung taolu của tôi là chiến đấu với chính mình".

"Một động tác đá, có khi phải đá tới hàng chục nghìn lần, nhiều khi cảm thấy rất chán. Rồi còn chấn thương nữa, VĐV đỉnh cao thì không bao giờ thoát được chấn thương. Chúng tôi phải vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể và như thế chấn thương cơ xương khớp, cột sống là điều hiển nhiên. Những lúc vất vả chán nản nhất ấy, nếu không nhờ đam mê và tình yêu với wushu thì thật khó đi tiếp". 

"Tôi chẳng có bí quyết gì. Bản thân đến giờ tôi vẫn đứng ở đây thi đấu với đam mê cao nhất đó chính là bí quyết lớn nhất”

"Đi tiếp", đó là điều không mấy ai tưởng tượng nổi sau khi chứng kiến Thúy Vi chỉ giành tấm HCĐ ở ASIAD 2018 tại Indonesia với phần thi kiếm thuật thương thuật mà cô rất lạc quan, tự tin ít nhất cũng phải giành HCB.

Sau giải đấu ấy nhiều người đã nhắc đến cụm từ "kỳ ASIAD cuối cùng của hoa khôi wushu của Việt Nam". Không ai tin chắc rằng Thúy Vi sẽ dự kỳ ASIAD sau đấy 4 năm theo chu kỳ tổ chức, bởi khi đó cô đã 29 tuổi.

Nhưng bất chấp việc Á vận hội 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc bị lùi 1 năm vì dịch Covid-19, giờ Thúy Vi đã sẵn sàng bước vào thảm đấu wushu châu lục, nơi mà độ cạnh tranh chất lượng chuyên môn còn khốc liệt hơn giải thế giới, khi đã bước qua... tuổi 30.

Từ ASIAD 2014, 2018 và giờ là năm 2023, Thúy Vi vẫn sẵn sàng bước lên thảm đấu wushu Á vận hội với quyết tâm cao nhất

Có lẽ, rất khó để thấy lại một Thúy Vi sung mãn, nhanh nhẹn, thể trạng hoàn hảo như 10 năm trước ở Incheon, trong độ tuổi nghề đẹp nhất với một VĐV thi đấu taolu. Nhưng vẫn sẽ là gương mặt kháu khỉnh ấy, với đôi mắt biết cười, cùng tính cách hoạt bát, dáng vẻ nhanh nhẹn.

Và chắc chắn, nếu một VĐV thấm thía rằng, sau khi đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân, thời gian cho gia đình, đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn tập, thì khi bước vào thảm đấu sẽ phải biểu diễn cho thật tương xứng, bằng 200% phong độ, sức lực.

"Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chỉ có 1 phút 30 giây cho mỗi bài diễn (kiếm thuật, thương thuật) nên phải làm sao cố gắng thể hiện tốt nhất những gì mình đã tập luyện, tích lũy trong hằng tháng, hằng năm trời và thậm chí cả sự nghiệp. Khi lên sàn đấu ai cũng muốn thắng, nhưng với tôi, chiến thắng quan trọng nhất là thắng chính bản thân".

Phải! Với nội dung taolu biểu diễn, khi trình độ các võ sỹ hàng đầu là không quá khác biệt thì ai chiến thắng được bản thân, làm tốt và hoàn hảo nhất những gì đã tập luyện hằng ngày sẽ nắm được cơ hội giành huy chương.

Với Thúy Vi, việc đứng trên thảm đấu wushu ở Hàng Châu tháng 9 tới, ở tuổi 30 sau một hành trình rất dài bén duyên với wushu đã là "một thành công rất khó tin". Và nếu cô gái đất Hà Nội làm được điều kỳ tích một lần nữa..., thật sự, rất khó tưởng tượng.

Cho đến giờ, ở tuổi 30, Dương Thúy Vi sở hữu bảng thành tích huy chương đồ sộ bậc nhất với một VĐV thi đấu nội dung taolu trong lịch sử wushu Việt Nam. Cô đã có 7 tấm HCV SEA Games, 2 lần vô địch thế giới, HCV ASIAD, HCV World Games...

VIDEO: Dương Thúy Vi chia sẻ cảm xúc sau khi giành HCV SEA Games đúng ngày sinh nhật tuổi 30

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2022.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.