1. Dẫn đầu chính là CLB Hà Nội với 6 chức vô địch V.League, 3 cúp Quốc gia và 5 lần vô địch Siêu cúp. SHB Đà Nẵng cũng 2 lần đăng quang; trong đó, năm 2012, họ vượt qua Xuân Thành Sài Gòn của bầu Thuỵ ở vòng đấu cuối cùng.
Và Quảng Nam, dù xuất hiện sau, cũng tạo nên câu chuyện thần kỳ bậc nhất V.League mùa giải 2017 dưới sự dẫn dắt của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Hoàng Văn Phúc.
Câu chuyện “1 ông chủ, nhiều đội bóng” ở V.League gắn liền với bầu Hiển, mà có lúc bầu Đức khi HAGL không thể giành chức vô địch đã “lái” một câu nổi tiếng: 5 thằng ốm đánh 1 thằng mập cũng…chết!
2. Chaebol là thuật ngữ chỉ các tập đoàn kinh tế lớn, đa ngành của Hàn Quốc, thường do một gia đình hoặc dòng họ kiểm soát, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước. Chaebol cũng thường có quan hệ sâu rộng với chính phủ, được hưởng lợi từ các chính sách, ưu đãi.
Các chaebol có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc ở giai đoạn phát triển, công nghiệp hoá. Tuy nhiên, mặt trái của nó là tạo nên những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh, sự bất bình đẳng và cả “không gian” phát triển của các doanh nghiệp khác.
3. Bóng đá Việt Nam giai đoạn thành công nhất dưới thời HLV Park Hang Seo cũng dựa trên nền tảng những cầu thủ được đào tạo, phát triển tập trung ở các đội bóng như CLB Hà Nội, Thể Công Viettel, HAGL hay SLNA. Đó là những cái tên như Nguyễn Quang Hải, Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu hay Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Công Phượng, Tuấn Anh, Bùi Tiến Dũng…
Thực tế trên thế giới, nòng cốt của các ĐTQG chủ yếu từ một số đội bóng lớn. Dù vậy, bóng đá Việt Nam hiện nay có xu hướng quyền lực tập trung vào một số đội bóng lớn ngày một tăng, tạo nên các hệ sinh thái khá phức tạp. CLB Hà Nội hiện không còn ở đỉnh cao khi vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ những “thế lực” mới.
Cùng với sự sôi động của bóng đá phía bắc, thì bóng đá phía nam đang trở nên trầm lắng hơn. Xu hướng này sẽ dẫn tới đâu, liệu có tạo nên những bước ngoặt mới cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam hay không sẽ là câu hỏi được đặt ra trong tương lai.
THƯỜNG SƠN